Thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch vùng ĐBSCL
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch vùng ĐBSCL
Nói đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là chúng ta nghĩ ngay đến vùng miền Tây sông nước, là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thủy sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu.
Sinh kế của đa số người dân trong vùng phần lớn gắn bó mật thiết với khu vườn, mảnh ruộng, dòng sông quanh nhà và hiệu quả mang lại từ sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp không chỉ tác động trực tiếp về mặt kinh tế, mà còn ảnh hưởng tích cực đến môi trường sống, sức khỏe, tuổi thọ cư dân hiện tại và các thế hệ con cháu sau này, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
ĐBSCL đóng góp 95% lượng gạo của cả nước |
N.THỦY |
Vựa nông sản chủ yếu xuất khẩu tươi
ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, và có thể được xem là “vựa lúa” của Việt Nam. Vấn đề này vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng phản ánh tiềm năng, lợi thế của vùng trong sản xuất nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp khu vực ĐBSCL trong thời gian qua đóng góp khoảng 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu cả nước. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước nhưng ĐBSCL là vùng đóng góp nhiều nhất vào thặng dư thương mại của Việt Nam, năm 2020 chiếm 47,4% thặng dư thương mại cả nước; năm 2021, xuất siêu khoảng 8 tỉ USD, trong khi cả nước xuất siêu khoảng 4 tỉ USD.
Tuy vậy, tương quan giữa các số liệu tích cực nêu trên và sự phát triển bền vững khu vực ĐBSCL chưa thật sự bền chặt. Tăng trưởng kinh tế vùng đang chậm lại; tỷ trọng xuất khẩu có xu hướng giảm; hạ tầng giao thông vận tải chậm phát triển; thiếu các trung tâm logistics lớn; vấn đề biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… tác động ngày càng nặng nề đến người dân.
Song song đó, thị trường hàng nông sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chủ yếu là thị trường xuất khẩu. Ngoài một số chủng loại nông sản qua chế biến, đa số vẫn là xuất khẩu dạng tươi. Nhiều nông sản trái cây như thanh long, mít, sầu riêng... phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch do thủ tục dễ dàng, thuế suất thấp, không cần hóa đơn, chứng từ hay hợp đồng ngoại thương, chi phí vận chuyển thường cũng thấp hơn so với xuất khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên, với hình thức xuất khẩu này, nông sản Việt Nam không những chịu nhiều rủi ro do khả năng bị ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu mỗi khi đối tác ngừng thu mua hoặc thay đổi quy chuẩn nhập khẩu, mà còn dễ bị chèn ép giá trong quá trình giao dịch, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và thu nhập của bà con nông dân. Đồng thời, với việc kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân các nước ngày càng được nâng cao thì yêu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp cũng ngày một khắt khe. Các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng cường kiểm soát chất lượng các mặt hàng nông sản nhập khẩu, quy định về tiêu chuẩn bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tất cả những ràng buộc, khó khăn này tuy vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội, tạo động lực để thúc đẩy ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL có bước chuyển mạnh mẽ, thực chất, hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, góp phần tạo điều kiện để bà con nông dân vùng ĐBSCL nâng cao thu nhập, trở nên khá giả trên chính mảnh đất đã gắn bó với họ bao đời nay.
Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Để giải quyết bài toán đặt ra nêu trên thì việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch là một trong những giải pháp khả thi, vừa góp phần ổn định thị trường đầu ra cho nông sản, vừa có thể tạo điều kiện để chuỗi giá trị hàng nông sản vùng ĐBSCL phát triển theo hướng bền vững.
Muốn đạt được mục tiêu này, trước hết cần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động của những tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, thay đổi cách nghĩ từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Công tác truyền thông, phổ biến thông tin phải sát thực tế, có minh chứng bằng những vấn đề, tiêu chuẩn, quy định cụ thể liên quan đến thực trạng và xu hướng tiêu thụ nông sản, đảm bảo thể hiện được hàm ý nếu không thay đổi tập quán canh tác, không thường xuyên cập nhật thông tin, quan tâm đầu tư nâng chất trong sản xuất nông nghiệp thì chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi thị trường.
Hai là, quan tâm phát triển công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời hướng đến tạo đột phá về giống cây trồng, vật nuôi.
Cầu Cần Thơ |
ĐÌNH TUYỂN |
Ba là, chú trọng quy hoạch vùng trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Qua đó đảm bảo sản phẩm đồng nhất, kiểm soát tốt chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, hướng đến đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định, hàng rào phi thuế quan của các quốc gia trên thế giới, nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao.
Bốn là, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, đầu tư kho lạnh, đầu tư nhà máy chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, vừa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, vừa cải thiện hiệu quả sử dụng nguồn nông sản, hạn chế được những hao phí trong trường hợp sản phẩm nông nghiệp không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu tươi, đặc biệt là đối với các loại trái cây - một loại nông sản có thể được xem là thế mạnh và có lợi thế cạnh tranh nhờ vào điều kiện thổ nhưỡng của vùng ĐBSCL.
Năm là, quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Tăng tốc đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới các tuyến giao thông theo quy hoạch, hướng đến hình thành mạng lưới giao thông kết nối rộng khắp giữa những vùng trồng với các kênh tiêu thụ như: chợ đầu mối, kho, cảng, nhà máy chế biến… Đảm bảo hệ thống giao thông có quy mô và tải trọng đồng bộ, đáp ứng tốt cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tối đa chi phí vận tải và hạn chế hao hụt trong quá trình vận chuyển nông sản.
Sáu là, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Tích cực và chủ động đàm phán, ký kết nghị định thư với các quốc gia để phía bạn sớm chấp nhận mở rộng danh mục các mặt hàng nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Tăng cường kết nối doanh nghiệp với các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, uy tín, có kinh nghiệm phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.
Bảy là, đa dạng hóa và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành nghề liên quan đến xuất khẩu nông sản có thể tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để những đối tượng này tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao hiệu quả và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.
Tám là, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết, đất đai, thổ nhưỡng… do đó, trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp thì về lâu dài cần nâng cao chất lượng công tác quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái… Từ đó tạo nền tảng vững chắc để ngành nông nghiệp có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thu hút doanh nghiệp tham gia là yếu tố tiên quyết
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch vùng ĐBSCL cần triển khai đồng bộ các khuyến nghị nêu trên. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể được xem là yếu tố tiên quyết, dẫn dắt nền nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung thay đổi theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Thực tế đã chứng minh, rất nhiều địa phương đang ra sức thu hút đầu tư các dự án, nhà máy chế biến nông sản và chỉ cần sự hiện diện của một vài doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đôi khi có thể giúp thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân trong cả một vùng trồng - vấn đề mà công tác tuyên truyền và các công cụ hành chính khó có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, bản thân doanh nghiệp sẽ phải chủ động tìm kiếm, phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, chủ động nghiên cứu thị trường, cập nhật các tiêu chuẩn, quy định của đối tác để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả của quá trình trên tự thân sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch, từ đó góp phần ổn định thị trường đầu ra cho nông sản, tạo điều kiện để chuỗi giá trị hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL phát triển bền vững.