Theo đó, hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được dỡ bỏ, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn.
Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đây được coi là cơ hội để nối lại và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc-vốn là thị trường truyền thống rộng lớn và nhiều tiềm năng của nước ta, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, nhu cầu về nguồn hàng nông sản, thực phẩm từ thị trường Trung Quốc chắc chắn cũng không ngừng tăng cao.
Cụ thể, đối với lĩnh vực thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, khi Trung Quốc mở cửa biên giới, các đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang nước này sẽ tăng cao sau một thời gian dài chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt do dịch bệnh.
Trung Quốc hiện là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, trong đó có những mặt hàng luôn ở mức tăng trưởng mạnh như cá tra và tôm. Kế đến là ngành hàng rau quả, cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, khoai lang, chuối, thí điểm xuất khẩu chanh leo…, thì thông tin mở cửa biên giới giống như một "nút thắt" quan trọng được tháo gỡ để ngành hàng này lấy lại "phong độ" xuất khẩu.
Thực tế năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc bị sụt giảm mạnh do Trung Quốc triển khai nhiều chính sách siết chặt công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở khu vực cửa khẩu, khiến hoạt động giao thương hàng hóa bị ảnh hưởng lớn. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Chính vì vậy, sau khi nước này mở cửa biên giới, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ là ngành hàng đón nhận nhiều cơ hội hưởng lợi, nhất là với các mặt hàng dự báo tăng trưởng mạnh là thanh long và sầu riêng.
Bên cạnh đó, mặt hàng mới được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là tổ yến cũng được kỳ vọng tăng tốc trong năm 2023. Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ tổ yến hàng đầu thế giới, trong khi chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực.
Có thể thấy, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức, nên cùng với việc mở cửa biên giới, các hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên và kiểm soát chặt chẽ đối với các mặt hàng nông sản khi thông quan.
Do vậy, để tận dụng tốt nhất các cơ hội, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, cơ quan liên quan bảo đảm các yêu cầu mới đối với doanh nghiệp nhập khẩu và sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đồng thời tiếp tục đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc các mặt hàng tiềm năng như: bưởi, na, dừa, chanh ta… nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản sang thị trường này.