Nông sản Việt được thị trường EU ưa chuộng
EU là một trong những thị trường tiềm năng, song cách đây vài năm, không dễ dàng cho gạo Việt vào được thị trường này khi gạo bị áp thuế đến 40%. Tuy nhiên, từ khi EVFTA có hiệu lực (tháng 8/2021), gạo Việt Nam đã có tấm “vé thông hành” vào thị trường này.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng tới 68%, và riêng kim ngạch tăng tới 19%. Trong đó, thị trường châu Âu trở thành thị trường chính của doanh nghiệp, gạo chất lượng cao là mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp được xuất sang thị trường này.
Bên cạnh Trung An, có rất nhiều doanh nghiệp gạo khác đã tận dụng được cơ hội từ EVFTA để tăng cường xuất khẩu gạo và cho đến nay đã có được bước tăng trưởng tương đối tốt.
Sau gạo, công ty chúng tôi cũng đang tập trung phát triển các sản phẩm sau gạo như bún khô, phở khô để xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là những mặt hàng đang được thị trường đón nhận rất tích cực, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Cùng với gạo, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thủy sản đã hồi phục rõ rệt, tăng 8% so với cùng kỳ. Xu hướng đó tiếp tục trong năm 2021 khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12%. EU là một trong những thị trường chủ lực của thủy sản Việt Nam.
Đến năm 2022, hết quý II, EU là 1 trong 3 thị lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Cùng với thủy sản và gạo, nhìn chung, các mặt hàng khác xuất khẩu sang EU đều có tốc độ tăng trưởng ổn định.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 năm vừa qua, tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.
Hiệp định này có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, vì EU là đối tác lớn và chúng ta đã có quá trình lâu năm. EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam trong đó có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo. Bên cạnh đó, thị trường EU cũng là một thị trường đa dạng và cả các sản phẩm công nghiệp cũng được tiêu thụ lớn.
Trong 2 năm vừa qua, đa số các mặt hàng của chúng ta xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với nông sản. Những ngành hàng như thủy sản, rau quả và gạo là những ngành có tăng trưởng xuất khẩu lớn vào thị trường EU thời gian qua, đồng thời cũng là những ngành có tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ về chứng nhận xuất xứ sang EU (mẫu EUR.1) rất cao, đặc biệt với mặt hàng gạo, tỷ lệ này là 100%. Điều đó, cũng thể hiện doanh nghiệp của chúng ta đã nhanh chóng nắm bắt và tận dụng được quy định.
“Chìa khóa” cho nông sản chắc chân tại EU
EU là một trong những thị trường chủ lực của thủy sản Việt Nam. |
Bên cạnh kim ngạch xuất khẩu tăng cao, hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU cũng như các thị trường khác thì đang gặp phải một số vướng mắc do các quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ.
Bà Lê Hằng chia sẻ, thách thức lớn đối với thủy sản khi xuất khẩu sang EU là bảo đảm quy tắc xuất xứ. Mặc dù VASEP và Bộ Công thương đã có nhiều chương trình phối hợp để đào tạo cho doanh nghiệp bảo đảm về chứng nhận xuất xứ, tuy nhiên cũng không tránh khỏi không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây chính là trở ngại đối với thủy sản khi xuất khẩu sang EU.
Ông Phạm Thái Bình chia sẻ thêm, hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của đất nước, trong đó, thị trường châu Âu cũng là một thị trường rất tiềm năng do mỗi năm thị trường châu Âu nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, từ thực tế, lượng hàng hóa nói chung của Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn là con số rất nhỏ, trong khi đó Việt Nam đứng top đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới.
“Tôi cho rằng, nguyên nhân vẫn là do văn hóa thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam, nếu ở thị trường châu Âu chỉ có mỗi thương hiệu gạo Trung An thôi thì chưa thể tạo dựng được thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường này. Do vậy, chúng ta cần có một chương trình hợp tác và các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp sức tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường này thí dụ như truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn châu Âu trên nền loại gạo ngon nhất của Việt Nam vẫn còn được công nhận, để hạn chế những vụ việc như hàng hóa bị trả về do vi phạm các tiêu chuẩn ở thị trường này”, ông Bình nêu giải pháp.
Về phía Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, đa số sản phẩm nông sản của nước ta khi xuất khẩu sang EU vẫn chỉ ở dạng nguyên liệu thô hoặc tỷ lệ sơ chế rất thấp. Do đó, những sản phẩm như vậy sẽ ít có thương hiệu bởi chưa phải là sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
Để có thể đến châu Âu, sản phẩm vẫn phải qua vài công đoạn chế biến nữa và rất có thể khi vào kênh phân phối, sản phẩm sẽ mang tên của các nhà phân phối ở thị trường đó. Do đó, để có thể gia tăng giá trị, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến xây dựng thương hiệu. Đây là một công cụ, phương tiện để giúp tiêu thụ được sản phẩm, vừa mở rộng thị trường, vừa nâng cao giá trị khi xuất khẩu vào thị trường này.